LẦN ĐẦU TIÊN PHẪU THUẬT BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐẶT MẢNH GHÉP TỔNG HỢP ĐỂ ĐIỀU TRỊ SA TẠNG CHẬU TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG CẦN THƠ
Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu của bệnh viện tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp sa bàng quang độ 3 với phương pháp đặt mảnh ghép tổng hợp 4 chi xuyên lỗ bịt không căng.
Bệnh nhân T.T.Đ.,71 tuổi ở Kế Sách, Sóc Trăng, được nhập viện ngày 06/02/2020 vì khối phồng ở âm đạo. Khối phồng xuất hiện khoảng 1 năm nay, gây triệu chứng khó chịu khi bệnh nhân ngồi đi tiêu, tiểu và cảm giác nặng vùng chậu, âm đạo khi di chuyển cảm giác vướng, gây ảnh hưởng trong sinh hoạt hằng ngày. Bệnh nhân được chẩn đoán sa bàng quang độ 3 và được chỉ định phẫu thuật.
Với ê kíp phẫu thuật gồm BsCKII. Võ Hoàng Tâm, BsCKI. Đặng Thế Oánh – Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu, BsCKII. Trần Huỳnh Đào- Trưởng khoa Gây mê hồi sức. Thời gian phẫu thuật khoảng 50 phút, bệnh nhân được bóc tách tạng sa ra khỏi thành trước âm đạo, cẩn thận tránh tổn thương bàng quang và thành âm đạo, sau khi bóc tách tạng sa tiến hành đặt mảnh ghép tổng hợp polypropylen 4 chi xuyên lỗ bịt.
Theo Tổ chức Chăm sóc sức khỏe ban đầu của nữ, tỷ lệ tổng quát của sa tạng chậu khoảng 41%, trong đó tỷ lệ sa bàng quang từ 25-34%, sa tử cung 4-14%, sa trực tràng 13-19%.
Các triệu chứng của sa tạng chậu như: triệu chứng khối phồng (cảm giác khối phồng sa, lồi ở âm đạo, nhìn hoặc sờ thấy, cảm giác nặng), triệu chứng đường tiểu (tiểu gấp, tiểu không kiểm soát khi gắng sức, tiểu nhiều lần, tiểu khó), triệu chứng đường sinh dục (giao hợp khó, giao hợp đau, giảm cảm giác, giảm cực khoái), triệu chứng của đường tiêu hóa (táo bón, mất tự chủ hậu môn), triệu chứng đau (đau âm đạo, bàng quang, trực tràng, đau vùng chậu, vùng lưng).
BsCKII. Nguyễn Phước Lộc - Trưởng khoa Ngoại Thận-Tiết Niệu cho biết: đối với bệnh lý sa tạng chậu điều trị bao gồm không phẫu thuật và phẫu thuật: tập phục hồi sàn chậu và sử dụng các dụng cụ đặt trong âm đạo hoặc phẫu thuật đặt mảnh ghép tổng hợp để điều trị sa thành trước âm đạo, đối với sa bàng quang là dùng mảnh ghép tổng hợp 4 chi xuyên qua lỗ bịt, tỷ lệ thành công 95-98%, ít biến chứng sau mổ và tỷ lệ lộ mảnh ghép 0-3%.
Sau mổ bệnh nhân đi tiểu bình thường và tạng hết sa, chỉ đau nhẹ vết mổ và đi lại dễ dàng, dự kiến xuất viện 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật. Với tỷ lệ thành công cao, kỹ thuật mới này được triển khai tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sẽ giúp điều trị tốt hơn cho các bệnh nhân gặp các bệnh lý sa tạng chậu.