HẠT ĐẬU PHỘNG TRONG PHỔI CỤ ÔNG U100 SUỐT 02 THÁNG

Ngày đăng: 10-06-2021 09:49:08
Nguồn đăng: Phòng Công tác xã hội


Người cao tuổi khi bị dị vật đường thở dễ nhầm với các bệnh nội khoa nên có thể bị bỏ sót. Nguy cơ biến chứng và tổn thương phổi tăng lên theo thời gian dị vật tồn tại ở đường thở, nên việc quan trọng là phải phát hiện và lấy dị vật ra khỏi đường thở càng sớm càng tốt.

Các bác sĩ khoa Nội Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa nội soi phế quản lấy thành công hạt đậu phộng (hạt lạc) trong phổi cụ ông 95 tuổi. Đây là bệnh nhân cao tuổi nhất được thực hiện nội soi phế quản tại bệnh viện.

Bệnh nhân nam  P. V. K., 95 tuổi, địa chỉ ở Phụng Hiệp - Hậu Giang đến khám tại BV ĐKTƯ CT vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 01/6/2021 với tình trạng sốt, khó thở, nặng ngực kéo dài gần 02 tháng điều trị nhiều nơi không giảm.

Diễn tiến bệnh nhân liên tục sốt cao, có những cơn khò khè, khó thở, do bệnh nhân đáp ứng chậm với phác đồ điều trị viêm phổi nên các bác sĩ quyết định nội soi phế quản bằng ống soi mềm để thám sát, chẩn đoán và lấy bệnh phẩm xét nghiệm tìm nguyên nhân do Bs.CK1 Nguyễn Văn Tuyết – Phó Trưởng khoa Nội Hô hấp thực hiện (ngày 04/6/2021). Thám sát đường thở trong lúc nội soi bất ngờ phát hiện dị vật là nửa hạt đậu phộng kích thước 6x12mm nằm ở thùy giữa phổi phải, niêm mạc tăng sinh nhiều. Ê-kíp nội soi đã dùng thòng lọng lấy thành công dị vật và bơm rửa  sạch thuỳ giữa phổi phải sau lấy dị vật, lấy dịch xét nghiệm. Thời gian thực hiện nội soi phế quản 20 phút.

Sau khi có kết quả nội soi, người nhà nhớ lại và cho biết: vào khoảng 02 tháng trước cụ ông có ăn xôi đậu phộng, sau đó 1 tuần thì xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, nặng ngực, chữa trị nhiều nơi vẫn không thuyên giảm.

Tình trạng hiện tại: Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định ngay sau khi nội soi lấy dị vật, bệnh nhân tỉnh, phổi thông khí tốt, hết sốt.

Ts.Bs Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng khoa Nội Hô hấp bệnh viện cho biết: Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân này dị vật phế quản bỏ quên đã được lấy ra. Bệnh nhân lớn tuổi không nhớ tiền sử sặc dị vật vào đường thở. 

Dị vật khí phế quản: Các vật lạ rơi vào và mắc lại ở trong khí phế quản, bệnh nhân không để ý, không được chẩn đoán thành dị vật bỏ quên. Tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em gặp nhiều hơn người lớn. Có hai đặc điểm, một là người bệnh không biết mình bị dị vật đường hô hấp lúc nào do xảy ra bất ngờ và đột ngột; hai là triệu chứng bệnh giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua.

Đa số các trường hợp dị vật phế quản bỏ quên thường gây nhiễm trùng phế quản phổi dai dẳng, tái lại sau khi ngừng kháng sinh, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.

Biến chứng của dị vật bỏ quên viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, áp xe phổi, xẹp phổi, ho ra máu. Tiên lượng phụ thuộc vào việc chẩn đoán, điều trị sớm hay muộn cũng như bản chất dị vật.

Thực tế, nhiều bệnh nhân khi bị dị vật bỏ quên trong đường hô hấp đã được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng lao nhiều tháng nhưng bệnh vẫn không khỏi. Đặc biệt, khi dị vật không phải là các dị vật có cản quang (kim loại, răng, xương...) mà là các hạt trái cây thì khi chụp X - quang càng không thể phát hiện có dị vật trong đường hô hấp.

Ở người lớn tuổi, dị vật đường thở xảy ra trên bệnh nhân bị tai biến mạch não, bệnh nhân có răng giả, ăn uống khó khăn. Bệnh cảnh lâm sàng khởi đầu, hội chứng xâm nhập ít được chú ý và ghi nhận hơn trẻ em, chỉ khoảng dưới một nửa các trường hợp (38%) là có hội chứng xâm nhập, dễ nhầm với các bệnh nội khoa khác nên dễ bị bỏ qua.

Nội soi phế quản giúp chẩn đoán xác định vị trí dị vật, bản chất dị vật, tổn thương phối hợp. Đây là phương pháp điều trị tối ưu lấy dị vật ra khỏi đường thở.

 

ĐỊA CHỈ

Bệnh viện Trung Ương Cần Thơ
315 Nguyễn Văn Linh
P. An Khánh Q Ninh Kiều
Điện thoại: 0901.215115

FORM LIÊN HỆ