CẨN TRỌNG VỚI NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HẠI CỦA SỎI ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
Các bác sĩ khoa Ngoại Thận – Tiết niệu đã phải phẫu thuật cắt bỏ thận trái cho trường hợp sạn niệu quản biến chứng nghiêm trọng gây thận ứ nước căng và chảy máu, chủ mô thận dãn mỏng mất chức năng
Bệnh nhân nam T. N. T, 55 tuổi, địa chỉ ở Sóc Trăng khai phát hiện bụng to dần, không đau khoảng 3 năm nghĩ là bị xơ gan nên không đi khám và điều trị. Gần đây bệnh nhân cảm thấy khối u vùng bụng ngày càng to dần, căng tức kèm tiểu ra máu nên đi khám phát hiện thận ứ nước to do sỏi đường tiết niệu nhưng vẫn không đi điều trị, vài ngày gần đây thấy triệu chứng nặng hơn nên đến bệnh viện địa phương khám sau đó được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 16 giờ ngày 27/6/2022. Tình trạng lúc nhập viện bụng căng to và đau nhiều, da niêm nhợt, huyết áp tăng cao.
Kết quả siêu âm bụng ghi nhận: thận trái ứ nước độ III, có 01 nang đường kính 182x145mm có nhiều vách ngăn, bên trong có hồi âm dày 64x37mm gây chèn ép các cơ quan ổ bụng, sỏi niệu quản trái đoạn ngang L3-L4 đường kính khoảng 15mm, dãn niệu quản khoảng 20mm. Chụp cắt lớp vi tinh (CTScan) thấy thận trái ứ nước rất to, chiếm gần hết ổ bụng, chủ mô thận dãn mỏng, đẩy sỏi niệu quản trái lệch qua cột sống bên phải.
Bệnh nhân có triệu chứng mất máu nghiêm trọng (Hct: 24.5%; Hb=7g/dl), các bác sĩ khoa Cấp cứu đã tiến hành truyền máu khẩn cấp, truyền dịch chảy nhanh, ổn định huyết áp và chuyển bệnh nhân đến khoa Ngoại Thận – Tiết niệu theo dõi, điều trị chống nhiễm khuẩn, giảm đau, tiếp tục truyền máu....
Hình ảnh thận trái và sỏi niệu quản trên phim CTScan
Sau đó, các bác sĩ tiến hành hội chẩn phẫu thuật với chẩn đoán: thận ứ nước độ III do sỏi niệu quản trái, thận trái dãn mỏng mất chức năng, xuất huyết trong thận, thiếu máu. Sau nhiều lần hội chẩn cân nhắc, các bác sĩ khoa Ngoại Thận – Tiết niệu đã phải quyết định cắt bỏ thận trái và lấy sỏi do BSCK2. Nguyễn Phước Lộc – Trưởng khoa, ThsBs. Nguyễn Vĩnh Nghi, Bs Hoàng Duy Tân – khoa Ngoại Thận – Tiết niệu, BSCK1. Nguyễn Văn Vĩnh – khoa Gây mê hồi sức thực hiện, ghi nhận lúc phẫu thuật hút trong thận ra nước tiểu và máu đỏ sẩm hơn 6 lít, chủ mô thận mỏng, cắt thận khó do dính mô xung quanh và lấy ra 1 viên sỏi niệu quản khoảng 18mm, trong quá trình phẫu thuật huyết áp thấp và truyền thêm 04 đơn vị máu, sau thời gian phẫu thuật 03 giờ 50 phút căng thẳng, bệnh nhân ổn định dần.
Tình trạng hiện tại: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, bụng mềm, vết mổ khô, đang được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Ngoại Thận – Tiết niệu và dự kiến xuất viện.
BSCK2. Nguyễn Phước Lộc khám cho bệnh nhân trước khi ra viện
BSCK2. Nguyễn Phước Lộc cho biết: Đối với bệnh lý sỏi đường tiết niệu nếu phát hiện và điều sớm thì kết quả tốt hơn, ít tốn kém chi phí và thời gian điều trị, đồng thời tránh những biến chứng nặng: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, có thể gây thận ứ mủ, nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm tính mạng, thận ứ nước để lâu nguy cơ dẫn đến suy thận, chảy máu đường tiết niệu....
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu: điều trị nội khoa (có thể dùng thuốc đông tây y kết hợp), điều trị ngoại khoa bằng nhiều phương pháp ít xâm lấn như: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, tán sỏi niệu quản-thận qua nội soi ngược dòng, phẫu thuật nội soi lấy sỏi hoặc mổ hở lấy sỏi…Tùy theo vị trí, kích thước, độ cứng, số lượng sỏi cũng như tình trạng của người bệnh, điều kiện của mỗi cơ sở y tế mà bác sĩ sẽ chọn lựa phương pháp phù hợp nhất cho từng người bệnh.
Do đó khi có triệu chứng bất thường: đau lưng, tiểu gắt, tiểu đục, tiểu máu... thì nên đi khám sớm bằng những xét nghiệm đơn giản (nước tiểu, máu), siêu âm ổ bụng để có thể phát hiện sớm bệnh lý sỏi đường tiết niệu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có khi phải cắt bỏ thận hoặc suy thận mạn phải lọc máu định kỳ.