02 LẦN CAN THIỆP NÚT MẠCH THÀNH CÔNG Ở BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT NẶNG CÓ BIẾN CHỨNG XUẤT HUYẾT ĐỘNG MẠCH TỰ PHÁT
Các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa can thiệp nút mạch thành công bệnh nhân 33 tuổi xuất huyết động mạch tự phát rất hiếm gặp do biến chứng bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, bệnh nhân nữ N. T. K. Y., (33 tuổi, địa chỉ An Giang) bị sốt cao nhiều ngày kèm đau bụng âm ỉ vùng hông trái, được nhập viện địa phương điều trị. Các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán xuất huyết trong thành cơ bụng bên trái, sốt xuất huyết, viêm gan cấp. Bệnh nhân được cấp cứu, truyền máu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 19 giờ 40 phút ngày 28/9/2022 với tình trạng khó thở, sốt cao, niêm nhợt, mạch nhanh nhẹ, tay chân lạnh; bụng chướng, ấn đau khắp bụng.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng tiến hành khám và xử trí cấp cứu, thực hiện các xét nghiệm, kết quả siêu âm bụng ghi nhận khối tụ máu lớn sau phúc mạc dọc hông trái, tràn dịch màng phổi hai bên. Bệnh nhân được xử trí truyền dịch, truyền máu theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết. Kết quả chụp cắt lớp vi tính vùng bụng có cản quang phát hiện tổn thương choáng chỗ vùng thành bụng trái, có hiện tượng thoát mạch bên trong.
Hình ảnh DSA trước can thiệp
Bệnh nhân được chỉ định chụp và nút động mạch cầm máu các tạng số hóa xóa nền ngay trong đêm 28/9/2022. Kết quả ghi nhận đa ổ xuất huyết xuất phát từ nhánh động mạch chậu trong trái, tiến hành bơm hỗn hợp keo. Kỹ thuật thành công sau 30 phút, ổ xuất huyết đã được kiểm soát, tắc hoàn toàn. Sau can thiệp huyết động bệnh nhân ổn định được tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Ngày 30/9/2022 bệnh nhân xuất huyết nội mạch tái phát, rối loạn đông máu, được xử trí truyền máu và thực hiện can thiệp nội mạch cấp cứu lần 02: khảo sát thấy vài ổ thoát mạch vùng cấp máu xuất phát từ động mạch thượng vị dưới, tiếp tục nút tắc bằng hổn hợp keo thành công với thời gian 30 phút. Tình trạng bệnh nhân ổn định, không xuất huyết tái phát.
Hình ảnh DSA sau can thiệp
Ngày 5/10/2022 bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, niêm hồng, sinh tồn ổn định được chăm sóc và điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới.
Theo y văn, sốt xuất huyết Dengue (SXHD) được xem là căn bệnh truyền nhiễm qua trung gian muỗi lây lan nhanh nhất toàn cầu, trong đó khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm đến 75% số ca mắc.
SXHD có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, rất khó tiên lượng và đánh giá diễn tiến. Bệnh cảnh có thể chỉ là sốt nhẹ, tự hết, kèm theo đau bụng nhẹ, nhưng cũng có thể nặng đến mức thoát huyết tương và xuất huyết, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Trong đó, biến chứng xuất huyết được đặc biệt chú ý, bệnh cảnh dao động từ chấm xuất huyết, xuất huyết niêm mạc ở thể nhẹ đến đông máu nội mạch lan tỏa, xuất huyết tiêu hóa, sinh dục ở thể nặng. Các nhà nghiên cứu cho rằng: nguyên nhân của xuất huyết là rối loạn cả số lượng và chất lượng của tiểu cầu do tổn thương tế bào gan, đồng thời trong các trường hợp nặng hơn là do ảnh hưởng của biến chứng đông máu nội mạch lan tỏa, giảm fibrin máu.
Máu tụ ở cơ là biến chứng hiếm gặp của SXHD, các vị trí phổ biến của máu tụ trong cơ ở bụng là cơ thẳng bụng, cơ thắt lưng chậu và các cơ vùng chậu. Tụ máu cơ thẳng bụng do vỡ động mạch thượng vị trên hoặc dưới, hoặc rách cơ thẳng bụng. Chảy máu có thể nghiêm trọng dẫn đến tình trạng giảm thể tích với các biểu hiện như: tụt huyết áp, nhịp tim nhanh.
Tình trạng bệnh nhân ổn định sau can thiệp
Điều trị bao gồm truyền dịch qua đường tĩnh mạch và truyền máu và theo dõi chặt chẽ, máu tụ thành bụng thường tự giới hạn và được tái hấp thu hoàn toàn. Can thiệp phẫu thuật hoặc thuyên tắc động mạch được khuyến cáo khi xử trí bảo tồn không hiệu quả, quá trình điều trị người bệnh phải thận trọng trong thời gian điều trị sốt xuất huyết lưu ý biến chứng chảy máu như tụ máu cơ.
Hiện nay, dịch SXHD đang diễn biến rất phức tạp, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt là phương pháp cơ bản trong phòng, chống bệnh SXHD. Khi bị sốt, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và theo dõi, không nên tự ý điều trị tại nhà.